Vì sao phải sử dụng quạt tản nhiệt cho laptop ?
Tản nhiệt cho laptop không phải là một vấn đề gì quá mới mẻ, nhưng rất cần thiết để đảm bảo tuổi thọ của laptop. Tản nhiệt tốt cho laptop sẽ làm giảm nguy cơ “die” chip đồ họa rời hoặc CPU, nhất là với một số dòng laptop có xác suất “tử vong” cao vì tản nhiệt kém hoặc sử dụng phần cứng không tốt.
Tản nhiệt là một phần cực kỳ quan trọng bởi vì nó ảnh hưởng rất lớn đến tuổi thọ của CPU và GPU. Không những thế tốc độ của máy cũng phụ thuộc nhiều vào bộ phận này ! Khi CPU quá nóng thì sẽ làm giảm tuổi thọ của chip và tốc độ máy sẽ cực chậm. Nó cũng giống như khi bạn chạy bộ vậy. Tưởng tượng nhé, nếu bạn chạy cả tiếng đồng hồ và mặc áo khoác thì sẽ ra sao? Không khí không làm mát được cơ thể của bạn, lúc đó cảm giác sẽ Yomos lắm đấy ! Nhưng nếu bạn chạy bộ với không khí mát mẻ, thoải mái thì bạn sẽ sung sức hơn đúng chứ?
Vậy nên khi chọn mua máy bạn nên chọn máy có cụm tản nhiệt to và không nằm gần pin để tránh giảm tuổi thọ của pin nhé !Nếu bạn đã mua máy rồi thì cũng đừng lo vì ngoài thị trường có rất nhiều nơi bán đế tản nhiệt (chọn mua đế hút hơi ra ngoài, đừng chọn loại thổi hơi vào nhé các mem). Bạn có thể dùng thiết bị này để máy hoạt động tốt hơn. Ngoài ra bạn cũng có thể tự chế quạt tản nhiệt cho laptop của mình cũng là một cách hay cho những bạn nào thích mày mò sáng tạo.
Tự chế quạt tản nhiệt cho laptop như thế nào ?
Gần đây trên các diễn đàn công nghệ, có một số bạn đã sáng tạo ra nhiều cách tản nhiệt cho laptop, nhưng yêu cầu chung là bạn phải có trải nghiêm nhất định và chịu khó tìm tòi để có giải pháp tản nhiệt tối ưu cho riêng mình. Ngoài ra, phải nhớ nguyên tắc tản nhiệt cho laptop là “hút khí từ trong ra ngoài” chứ không phải làm ngược lại.
Chuẩn bị
1. Một quạt tản nhiệt cũ trong các thiết bị điện tử điện áp 5V DC. ( Các bạn tìm mua tại cửa hàng sửa chữa điện tử với giá chỉ 10 ngàn đồng)
2. 2 miếng bìa Formec khổ A4 loại 0.2mm và 0.3mm ( các bạn tìm mua tại các cửa hàng văn phòng phẩm, họa phẩm, giá 5 ngàn đồng)
3. Một sợi dây USB ( các bạn có thể tận dụng những sợi dây đã cũ, không dùng đến trong nhà)
4. Các dụng cụ hỗ trợ: keo nến, keo con voi, kéo, dao dọc giấy, compa.
Bước 1:
Các bạn dùng compa vẽ 2 hình tròn lên tấm formec 0.3.
Sau đó cắt ra, và vẽ 1 đường tròn đồng tâm với bán kính nhỏ hơn. Hai tấm này chúng ta sẽ dùng làm nắp cho lồng quạt hút gió.
Tiếp theo các bạn dùng dao dọc giấy khoét theo đường tròn đã vẽ.Lỗ này để quạt hút gió vào.
Bước 2:
Các bạn cắt một miếng formec 0.2 để làm thành bao quanh lồng quạt, độ cao cần phải cao hơn cánh quạt của chúng ta một chút.
Sau đó các bạn dán lên hình tròn chưa khoét bằng keo con voi. Khi dán chú ý chừa lại một khe như trên hình. Khe này là đường gió ra khi quạt hoạt động.
Bước 3:
Các bạn tháo cánh quạt ra khỏi Motor
Sau đó bẻ hết cánh của quạt và lắp lại vào motor. Các bạn chú ý trên cánh quạt có sẵn 7 đường gạch chia đều nhau. Chúng ta sẽ dán cánh quạt vào các đường gạch này.
Chắc hẳn đến đây các bạn sẽ thắc mắc tại sao lại bẻ hết cánh quạt đi. Lý do là vì chiếc quạt tản nhiệt mà chúng ta đang chế tạo là quạt hút nên chúng ta phải dùng cánh thẳng.
Tiếp theo các bạn sử dụng miếng formec 0.2 cắt, 7 cánh quạt có kích thước bằng nhau và dán lên đường gạch.
Sau khi dán xong chúng ta sẽ có một chiếc quạt như thế này.
Lưu ý: nếu các bạn có thể tìm mua được một chiếc quạt như thế này thì bỏ qua bước này.
Bước 4:
Các bạn đục 1 lỗ nhỏ trên nắp hộ để luồn dây điện qua, rồi sau đó gắn quạt vào trong lồng. Các bạn chú ý gắn quạt sao cho tâm trục vào chính giữa lồng quạt.
Sau khi dán xong các bạn dán nắp đã khoét 1 hình tròn nhỏ ở bước 1 lên.
Vậy là chúng ta đã hoàn thành chiếc quạt hút.
Bước 5:
Bây giờ chúng ta sẽ thiết kế đường dẫn gió hút vào cho quạt.
Các bạn dùng tấm formec 0.3 cắt 2 miếng như trong hình.
Sau đó dán vào miếng đệm nhỏ. 3 miếng này có tác dụng tạo khoảng cách cho lỗ hút gió của quạt.
Và dán mặt có lỗ hút gió vào tấm đã dán miếng đệm nhỏ ở trên.
Dán miếng còn lại vào thành của lồng quạt.
Bước 6:
Các bạn sử dụng tấm formec 0.2 cắt một dải như trong hình để làm thành cho hộp dẫn gió.
Sau đó dán vào, để thêm chắc chắn các bạn sử dụng keo nếu bơm vào các cạnh.
Và đây là chiếc quạt của chúng ta sau khi đã dán xong, các bạn lưu ý nhớ khoét lỗ cho đường gió ra nhé.
Tiếp theo chúng ta sẽ nối dây USB vào dây của quạt. Các bạn chú ý dây USB có 4 dây, dây nguồn thường có màu đỏ đen. Chúng ta sẽ nối 2 dây này vào 2 dây đỏ đen của quạt.
Vậy là chúng ta đã làm xong chiếc quạt tản nhiệt cho Laptop. Để cho chiếc quạt của bạn trông đẹp và lạ mắt hơn thì các bạn có thể trang trí lên chiếc quạt tùy thích. Với chiếc quạt của mình, mình vẽ lên nó mặt của chú mèo máy Doremon.
Thử nghiệm thực tế
Các bạn đặt khe hút gió của quạt vào khe tản nhiệt chính của laptop. Sau đó cắm vào cổng USB của laptop để quạt hoạt động.
Và đây là kết quả:
Mình thử nghiệm khi render phim bằng phần mềm Adobe Premerie. Khi chưa bật quạt tản nhiệt, nhiệt độ các nhân là 66-68 độ C.
Sau khi cho hoạt tản nhiệt hoạt động khoảng 6 phút, nhiệt độ 4 nhân của CPU đã giảm xuống còn từ 52-58 độ C.
Nhiệt độ tại cửa gió ra của quạt tản nhiệt là 55.8 độ C.
Vậy là chúng ta đã hoàn thành một chiếc quạt tản nhiệt với chi phí vô cùng thấp, tuy nhiên hiệu quả mà nó mang lại thật bất ngờ. Không chỉ vậy, với những laptop có khe tản nhiệt thiết kế ở cạnh bên trái, chiếc quạt này sẽ giúp đổi hướng gió nóng ra đằng sau, giúp cho chúng ta không bị nóng tay trong quá trình sử dụng khi để tay ở cạnh máy. Còn chờ giờ nữa, bắt tay vào việc ngay thôi nào.
Chúc các bạn thành công ! nguồn: http://genk.vn